Điện mặt trời thắp sáng tương lai năng lượng Việt Nam

Điện mặt trời thắp sáng tương lai năng lượng Việt Nam

Tại miền Trung Việt Nam, gần 150.000 tấm pin năng lượng mặt trời trải rộng khắp 45ha, sáng lấp lánh trong cái nóng khô và hanh. Ẩn dưới khung cảnh yên bình đó là những thay đổi lớn lao.

Đây là nơi đặt trang trại điện mặt trời nối lưới tư nhân đầu tiên của Việt Nam- nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền, do Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC) xây dựng với sự hỗ trợ của IFC. Nhà máy với công suất 35MW sản xuất ra khoảng 60 triệu KWh đủ để cung cấp điện cho khoảng 35.000 hộ gia đình một năm. Dự án được xây dựng chỉ trong tám tháng với tổng chi phí thấp hơn ngân sách dự kiến ban đầu

Bức xạ nhiệt ở khu vực này rất tốt,” ông Nguyễn Văn Thiện, kỹ sư trưởng nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền tại Thừa Thiên – Huế cho biết. “Đó là lý do vì sao nhà máy này được đặt tại khu vực miền Trung Việt Nam. Vào mùa hè, nhà máy có thể đạt công suất 35MW khi bức xạ mặt trời đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều.”

Việt Nam, quốc gia từ lâu vốn phụ thuộc nhiều vào thủy điện và nhiệt điện than, nay phải đối mặt với nhu cầu điện đang ngày càng tăng cao. Nhu cầu sử dụng điện đã tăng trung bình 13%/năm từ năm 2000 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng 8% từ nay đến 2030. Và năng lượng tái tạo có thể góp phần đáp ứng nhu cầu này, do vậy khoản đầu tư cổ phần của IFC vào GEC là nhằm giúp thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo trên khắp Việt Nam.

Để tăng cường hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, IFC cũng đã đầu tư 75 triệu đôla Mỹ vào trái phiếu xanh do công ty năng lượng Phi-lip-pin AC Energy phát hành để huy động nguồn vốn phát triển các dự án năng lượng. Mục tiêu của AC Energy là phát triển 55 gigawatt năng lượng tái tạo tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đến năm 2025.

Khoản đầu tư trái phiếu của IFC nhằm hỗ trợ các dự án điện gió và điện mặt trời của AC Energy tại Việt Nam với tổng công suất lắp đặt đạt 360MW. Khoản đầu tư này đã giúp AC Energy thu hút được thêm vốn từ các định chế tài chính quốc tế khác phục vụ cho các dự án trong khu vực của công ty.

Chương trình tư vấn kỹ thuật của IFC cũng hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời trên mái nhà cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. IFC đã tư vấn cho một số nhà máy trong các khu công nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất có thể lên tới 60MW— điều này cho thấy tiềm năng khai thác nguồn điện mặt trời lắp trên mái nhà đối với khu vực sản xuất tại Việt Nam.

Nhu cầu điện tăng cao phục vụ tăng trưởng kinh tế

IFC tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở thời điểm Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng trong tương lai gần. Chính phủ đã cảnh báo khả năng thiếu hụt điện hàng năm có thể lên đến 12 triệu MWh vào năm 2023. Thiếu hụt điện thậm chí có thể xảy ra ngay trong năm tới – và điều này sẽ tác động không nhỏ tới cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

dien mat troi thap sang tuong lai nang luong viet nam

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (Tập đoàn TTC), đơn vị nắm cổ phần đa số tại GEC, cho biết, “Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với dân số 97 triệu người, vì vậy kinh tế càng tăng trưởng thì nhu cầu năng lượng của nền kinh tế càng lớn.Chúng tôi nhận ra tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam khá sớm và rồi thấy có nhiều thuận lợi trong việc triển khai kế hoạch của mình.”

IFC đã đầu tư 16% cổ phần vào GEC, một công ty con của TTC năm 2016. GEC khi đó sở hữu và vận hành một danh mục gồm 15 nhà máy thủy điện quy mô nhỏ và hy vọng mở rộng hơn nữa danh mục này. Quỹ Đầu tư Năng lượng Sạch Armstrong S.E. là quỹ đầu tư do Công ty Quản lý Tài sản Armstrong quản lý, và là một khách hàng của IFC, đã cùng với IFC đầu tư khoảng 18% cổ phần tại GEC. Ông Thành vẫn nhớ đã xây dựng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho GEC với mục tiêu đạt 1,000MW vào năm 2022. Ông cho biết GEC sẽ lắp đặt được 400MW điện mặt trời vào cuối năm nay, và ông lạc quan về khả năng đạt được mục tiêu của năm 2022.

Cú huých cho điện mặt trời

Tuy nhiên, tại thời điểm những cuộc thảo luận này bắt đầu, nguồn cung điện của Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nhiệt điện khí, than và thủy điện. Để thực sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo là rất khó bởi khi đó chi phí sản xuất điện mặt trời còn tương đối cao và chính phủ không có cơ chế khuyến khích.

Cơ hội cuối cùng cũng đến vào năm 2017, khi chính phủ triển khai chính sách trợ giá điện mặt trời cho các nhà đầu tư tư nhân. Cùng lúc đó, chi phí các tấm pin năng lượng mặt trời cũng giảm xuống, mang lại các điều kiện phù hợp cho GEC bước chân vào lĩnh vực điện mặt trời.

IFC đã đồng hành cùng GEC trong suốt quá trình này — xây dựng năng lực tổ chức, phát triển và triển khai các chiến lược, các quy trình về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, và xây dựng đội ngũ quản lý rủi ro môi trường và xã hội nhằm giúp công ty áp dụng các thông lệ và tiêu chuẩn tốt nhất trong ngành vào các dự án năng lượng trong tương lai. Điều này cũng bao gồm việc giúp rà soát các rủi ro về môi trường và xã hội trong các dự án xây lắp mới.

Tác động dài hạn

Năng lượng sạch — từ những nhà máy điện mặt trời như TTC Phong Điền— góp phần bổ sung nguồn cung năng lượng cho Việt Nam và giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Điều này cũng sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu điện cho người dân và nền kinh tế trong những năm tới.

Tác động đa chiều này có ý nghĩa quan trọng với ông Thành, người thừa nhận có đam mê đối với các hoạt động kinh doanh mang lại lợi ích chung. “Tại sao không làm điều gì đó tốt cho bản thân, cho xã hội, cho doanh nghiệp của tôi và cho đất nước? Tại sao không? Tại TTC chúng tôi có tôn chỉ: Vì cộng đồng, phát triển địa phương.”